Lượt xem: 1616

Cuộc hành trình đầy ý chí và bản lĩnh anh hùng

Lớn lên trong hoàn cảnh nước mất, đồng bào bị đọa đày đau khổ, người thanh niên giàu lòng yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm có ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Mùa Xuân năm 1911, tại Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành nói với anh Lê ý định “muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

    Ngày 05-6-1911, từ bến cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành - Văn Ba xuống làm phụ bếp cho tàu Amiral Latouche - Tréville Réunis của Pháp, một thương thuyền của Công ty Vận tải đường biển Chargeurs Réunis của Pháp. Tàu cập cảng Marseille (Pháp) ngày 06-7-1911, sau đó tiếp tục cuộc hành trình đi châu Phi và sang châu Mỹ.


Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước - Ảnh tư liệu

    Đầu tháng 12-1912, Nguyễn Tất Thành đến Hoa Kỳ, rồi quay về Le Havre (Pháp) vào đầu năm 1913, sang Anh và sống ở Anh từ năm 1914, đến cuối năm 1917 trở lại Pháp. Người đã chứng kiến cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, quan sát tìm hiểu về chủ nghĩa tư bản, đế quốc, chính sách thực dân của họ ở các thuộc địa, tình cảnh của nhân dân các thuộc địa và rút ra những kết luận trong nhận thức và hoạt động.
Năm 1918, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc nhân danh những người yêu nước Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc-xây “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam”, với 8 điểm đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Cuối tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua, Nguyễn Ái Quốc cùng những người cách mạng trong Đảng Xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. 


Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua năm 1920 - Ảnh tư liệu

    Tháng 10-1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng của các nước thuộc địa khác thành lập “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa” và tháng 4-1922, sáng lập tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) ở Pháp. Năm 1923, Người sang Liên Xô dự các đại hội do Quốc tế Cộng sản tổ chức và nhiều hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, đồng thời nghiên cứu và xây dựng những luận điểm về cách mạng giải phóng thuộc địa. Năm 1924, Người được cử làm Ủy viên Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam, Nguyễn Ái Quốc (Lý Thụy) về Trung Quốc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng, phong trào cộng sản ở các nước thuộc địa, nhất là Đông Nam Á. 


Nguyễn Ái Quốc và Báo Le Paria (Người cùng khổ) - Ảnh tư liệu

    Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá trực tiếp chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và cũng là sự chuẩn bị quan trọng về tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam. Người mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ rồi đưa về Việt Nam hoạt động. Ngày 21-6-1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo Thanh niên, cơ quan tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.


Nguyễn Ái Quốc giảng bài tại lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc - Tranh vẽ

    Đầu năm 1927, Nguyễn Ái Quốc cho xuất bản cuốn sách Đường kách mệnh làm tài liệu cơ bản để huấn luyện cán bộ - đó cũng là những luận điểm và nội dung cơ bản của đường lối cách mạng vô sản ở Việt Nam. Cuối năm 1927, Nguyễn Ái Quốc trở lại Liên Xô, sau đó đi Đức, sang Pháp, đến Bỉ và qua một số nước châu Âu; năm 1928, Nguyễn Ái Quốc về Xiêm (Thái Lan) vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng và phong trào yêu nước trong việt kiều. 

    Đáp ứng đòi hỏi của phong trào cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan đến Hương Cảng (Trung Quốc), vào cuối năm 1929 để thực hiện sứ mệnh và nhiệm vụ lịch sử trọng đại: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 03-02-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã họp ở bán đảo Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản. Hội nghị quyết định thành lập Đảng và lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.


Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

    Từ năm 1930 đến năm 1941, tuy không trực tiếp về nước, nhưng Nguyễn Ái Quốc luôn chỉ đạo hướng dẫn tổ chức và cho cán bộ của đảng về trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tháng 7-1935, Quốc tế Cộng sản họp Đại hội lần thứ VII ở Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc đang học tập và nghiên cứu tại trường quốc tế Lênin được mời tham dự Đại hội. Năm 1938, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Trung Quốc. Ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài về Cao Bằng. Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng), họp từ ngày 10 đến 19-5-1941, đặt nhiệm vụ cứu nước, chống đế quốc, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết, chủ yếu, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Bác Hồ về nước xuân Tân Tỵ năm 1941 - Tranh: Trịnh Phòng

    Gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 nước, đi tới những trung tâm văn minh nhất của thế giới, tới những nơi bần cùng và đau khổ nhất của nhân loại thời ấy. Trên mỗi đoạn đường, tình yêu nước thương nòi từ thuở ấu thơ và nỗi đau trước sự cùng khổ của các dân tộc bị áp bức, lòng khát khao sớm được giải phóng Tổ quốc và ước mơ xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, hạnh phúc vì giai cấp cần lao thấm quyện vào nhau, kết tinh văn hóa dân tộc và đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Nhờ đó, mà Người đã lý giải được sâu sắc nỗi đau của dân tộc, của giai cấp và của nhân loại; nhận ra con đường đúng đắn xóa bỏ nỗi đau ấy, xác lập ý chí và bản lĩnh anh hùng./.

Quốc Hùng

 


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 56
  • Hôm nay: 6038
  • Trong tuần: 76,745
  • Tất cả: 11,800,065